Khi nghe tin mỗi năm Việt Nam có hơn 15,000 ca mắc ung thư vú, bạn sẽ cảm thấy thế nào và hành động ra sao?

Theo thống kê của Globocan, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về tỷ lệ mắc ung thư vú hiện nay. Cụ thể tỷ lệ mắc mới là 15229 ca và tỷ lệ tử cong là 6103 ca. Những con số thực tế trên khiến chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ về cách phòng, tầm soát, sàng lọc và điều trị ung thư vú hiệu quả nhất.

1. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú

Phụ nữ khi phải đối mặt với các yếu tố nguy cơ sau đây gây bệnh ung thư vú cần hết sức chú ý trong khám, tầm soát bệnh sớm nhất có thể:

  • Phụ nữ ở độ tuổi từ 40 đến 60
  • Có đột biến gen BRCA1, Các dạng đột biến khác như đột biến gen ATM; TP53; PTEN; CDH1; STK11; PALB2 là các đột biến hiếm, có thể gặp trong bệnh ung thư vú.
  • Di truyền, tiền sử gia đình có mẹ, chị em gái bị ung thư vú
  • Phụ nữ có tuổi hành kinh sớm trước 12 tuổi hoặc mãn kinh muộn sau 55 tuổi
  • Phụ nữ không sinh con, hoặc không cho con bú
  • Từng có tiền sử xạ trị vùng ngực
  • Phụ nữ béo phì, có chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động
  • Sử dụng thuốc tránh thai, các liệu pháp hormone thường xuyên

Hiện nay rất nhiều phụ nữ ở độ tuổi trẻ cũng đã mắc ung thư vú mà không hề hay biết. Khi chị em không thực hiện các khám sức khỏe, các phương pháp tầm soát từ sớm thì hậu quả gây ra bởi ung thư vú rất nguy hiểm.

2. Triệu chứng bệnh ung thư vú

Các triệu chứng ung thư vú ở giai đoạn sớm thường khó có biểu hiện rõ ràng. Các triệu chứng có thể dễ gây nhầm lẫn với các bệnh tuyến vú thường gặp. Tuy nhiên, chị em có thể theo dõi và nhận thấy những bất thường sau đây:

Đau tức ngực hoặc tuyến vú

Triệu chứng đau tức ngực, cương tức tuyến vú trong thai kỳ hoặc trong những ngày hành kinh được cho là bình thường. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này xuất hiện trong cả những ngày bình thường và cơn đau kéo dài, tăng dần khi đến kỳ kinh nguyệt thì bạn nên đi khám, siêu âm và chiếu chụp vú để kiểm tra tuyến vú của mình.

Đau tức ngực là dấu hiệu của ung thư vú

Vú to bất thường

Nếu bạn cảm thấy vú to lên bất thường, 2 bên vú không tương xứng hay thường xuyên cảm thấy cương cứng thì bạn nên cẩn thận. Rất có thể đây là một dấu hiệu của ung thư vú.

Nổi u cục ở tuyến vú

U vú có thể phát hiện tình cờ, tuy nhiên lời khuyên của các chuyên gia đó là tự khám vú hàng tháng sau khi hết kinh, bằng cách này bạn có thể sờ thấy một “khối lạ” ở tuyến vú của mình. Những u này có thể là lành tính và cũng có thể là ác tính. Đây là bước rất quan trọng vì rất nhiều trường hợp ung thư vú được phát hiện sớm qua việc tự khám vú hàng tháng và chụp vú, siêu âm vú kết hợp khi có nghi ngờ.

Để tự khám vú, bạn có thể đứng trước gương để kiểm tra hình dạng vú ở tư thế bình thường. Sau đó, chuyển đổi tư thế hai tay giơ cao và cuối cùng hai tay chống vào hông, kiểm tra vú khi thay đổi các tư thế nằm.

Nổi hạch nách

Khi khám vú bạn cũng có thể kiểm tra vùng hố nách nếu có khối bất thường bạn cũng nên khám chuyên gia ngay. Hạch nách có thể do nhiều nguyên nhân nhưng cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư vú. Có khá nhiều trường hợp ung thư vú được chẩn đoán khi người bệnh phát hiện tình cờ hạch hố nách.

Nổi hạch ở nách cũng có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú

Thay đổi da vùng vú

Một số thay đổi da vùng vú như: đỏ, sưng dưới dạng sần da cam… bạn nên đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú đã vào giai đoạn muộn.

Tụt núm vú, thay đổi vùng da quanh đầu núm vú

Một số người phụ nữ bình thường có triệu chứng tụt núm vú bẩm sinh. Tuy nhiên, nếu núm vú của bạn đột nhiên bị tụt hẳn vào trong, kèm theo biểu hiện cứng và không kéo ra được như bình thường, Vùng da bị co rút, nhăn nheo và có thể xuất hiện các hạt nhỏ ở quầng vú xung quanh núm vú, chảy dịch bất thường ở núm vú… thì bạn nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị sớm.Tóm lại, khi phát hiện các u cục, sưng đau, biến đổi màu sắc da, chảy dịch… bất thường bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được khám và tư vấn cụ thể hơn. Phụ nữ trên 35 tuổi, người có những dấu hiệu bất thường ở tuyến vú, phụ nữ chưa từng sinh con,… cần phải đi khám vú và chụp và siêu âm vú định kỳ 6 tháng/lần.

3. Chị em cần làm gì để sớm phát hiện ung thư vú?

Chị em thuộc đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao cần đi khám sàng lọc ung thư vú càng sớm càng tốt và thực hiện tầm soát định kỳ. Điều này giúp phát hiện bệnh sớm nhất có thể để có phác đồ điều trị kịp thời.Chị em phụ nữ có thể tự khám vú tại nhà để phát hiện những bất thường ở ngực, vú. Khi có triệu chứng ung thư vú, cần khám chuyên khoa, cận lâm sàng hay xét nghiệm tiếp theo cho kết luận có mắc bệnh hay không. Bệnh ung thư vú là bệnh hoàn toàn có điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Điều này cho thấy việc sàng lọc, tầm soát ung thư vú đóng vai trò rất quan trọng với tất cả phụ nữ. Và với người có nguy cơ cao mắc thì việc tầm soát cần thực hiện sớm và thường xuyên hơn theo tư vấn, chỉ định của bác sĩ. Các phương pháp sàng lọc ung thư vú được thực hiện dựa trên tình trạng sức khỏe, kết quả khám lâm sàng của bác sĩ. Chị em sẽ được thực hiện các xét nghiệm, cận lâm sàng… để cho kết quả chính xác nhất về bệnh. Trong đó bao gồm:

  • Các xét nghiệm lâm sàng, đặc biệt là các trường hợp có xuất hiện cục u cứng ở vú, núm vú có tiết dịch, hoặc sự thay đổi bất thường ở vú.
  • Chụp x-quang tuyến vú phát hiện các bất thường nhỏ nhất trong tế bào vú.
  • Siêu âm vú có thể phân biệt được ung thư hoặc các u nang vú chứa dịch mà không phải ung thư.
  • Chụp cắt lớp vi tính CT để kiểm tra sâu hơn nếu các phương pháp khác không thể chẩn đoán ra.
  • Sinh thiết lấy tế bào từ khối u trong vú đưa ra xét nghiệm để kết luận tính chất khối u..

Chụp X-quang tuyến vú tầm soát ung thư sớm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *